Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư

Thứ năm, 13/08/2020, 10:46 GMT+7

Cách ăn uống phù hợp có thể giúp người bệnh ung thư duy trì cân nặng, duy trì khối nạc cơ thể, đáp ứng tốt với điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh nhân ung thư cần có chế độ ăn với đầy đủ chất bột đường và chất đạm, giảm chất béo và các gia vị không cần thiết. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau quả, ngũ cốc thô như gạo lứt, bánh mì đen, khoai củ… và chú ý gia tăng lượng vitamin và các chất khoáng trong khẩu phần bằng các loại trái cây tươi, sữa…

thucphamgiaudinhduongchobenhnhanungthuvomhong11422637536518

Người bệnh nên hạn chế ăn các loại đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn như các loại khô, giảm chất béo và các gia vị không cần thiết, giảm thức ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán...

Để tạo thuận lợi cho việc hấp thu dinh dưỡng, người bệnh cần lưu ý thêm những vấn đề sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn: chia nhỏ bữa ăn, ăn thêm các bữa phụ xen kẽ giữa các bữa chính để đảm bảo ăn đủ nhu cầu năng lượng hằng ngày. Số bữa ăn trong ngày có thể lên 8 – 10 bữa. Chia nhỏ bữa ăn còn giúp giảm cảm giác buồn nôn, nôn ói do tác dụng phụ của thuốc, hóa trị và do những thương tổn ở đường tiêu hóa.
  • Không dùng thức ăn quá nóng để khắc phục sự thay đổi vị giác và tình trạng đau rát vùng miệng, hầu họng …do hậu quả của nhiễm trùng hay do tác dụng phụ của xạ trị.
  • Chế biến thức ăn dạng hấp, hầm, nấu mềm, nếu cần có thể cắt nhỏ, nghiền nhuyễn hay xay nhỏ thức ăn để người bệnh dễ tiêu hóa hơn. Hạn chế thức ăn cứng, thô, sống, các thức ăn chiên, nướng …
  • Tránh các món ăn nhiều gia vị, có mùi hoặc vị mạnh, đậm đặcvới bệnh nhân có tình trạng viêm loét niêm mạc hay viêm nhầy đường tiêu hóa cần hạn chế thức ăn có vị chua.
  • Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh: Người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm trùng từ đường tiêu hóa rất cao, đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Cần chọn thực phẩm tươi nhất có thể, hạn chế sử dụng thực phẩm qua bảo quản, nên nấu vừa đủ ăn và nên ăn trong vòng 2 giờ sau chế biến, chỉ nên dùng thực phẩm đã nấu chín, loại bỏ tuyết đối các thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu, mốc…
  • Tuyệt đối không sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thức ăn. Hạn chế tối đa các thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp) và các loại thực phẩm có thể bảo quản dài ngày (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói…)
  • Không hút thuốc lá, tránh việc hít khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
  • Tăng cường hoạt động thể lực: người bệnh nên vận động, thể dục ở mức vừa phải, đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, nên có người đồng hành khi tập thể dục.

Cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

BS. Đinh Thị Ngọc Diệp

Khoa Dinh dưỡng Tiết chế