Miệt mài truyền lửa cho thế hệ sau

Thứ ba, 14/03/2023, 09:13 GMT+7

“Bước đường y nghiệp phải hướng đến phương châm: thành thật trong nghề, chu đáo trong theo dõi tiến triển bệnh và tận tụy trong chăm sóc người bệnh” - đó là điều GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, luôn nhắn nhủ các thế hệ học trò của mình. Trong hàng trăm bài giảng chuyên môn biên soạn cho sinh viên, ông luôn chọn dạy bài học về y đức đầu tiên.

Vinh quang của nghề

Rời mảnh đất Mỹ Tho, Tiền Giang lên Sài Gòn, cậu thanh niên Lê Quang Nghĩa bước chân vào giảng đường y khoa để theo đuổi ước mơ thành bác sĩ chữa bệnh cứu người, với hành trang là nền nếp của gia đình giáo viên xem trọng tri thức và chiếc xe đạp cũ do ba tặng lại.

Ước mơ ấy có trong ông từ tuổi lên 10, trong trận sốt nhớ đời ở quê khi chứng kiến xung quanh mình là cả hàng dài ánh mắt mệt mỏi của những người dân nghèo, đau đáu mong chờ sự tận tình, câu hỏi han nhẹ nhàng của một lương y; lúc đó ông ước sao mình có thể giúp được cho họ. Mong muốn đó là động lực thôi thúc ông bền chí học hành để trở thành sinh viên của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.

Vượt qua nhiều thử thách, năm 1974, Lê Quang Nghĩa tốt nghiệp rồi thi đậu vào nội trú tại Bệnh viện Bình Dân, một kỳ thi nổi tiếng cam go để chọn ra những sinh viên xuất sắc. Trở thành bác sĩ nội trú là mơ ước của mọi sinh viên y khoa, bởi đó là cơ hội để được những người thầy lớn trực tiếp chỉ dạy, cơ hội để tiếp cận tri thức và môi trường để trui rèn y đức, nền nếp cho người bác sĩ tốt nhất.

Thời gian nội trú đã cho ông may mắn gặp GS Hoàng Tiến Bảo và GS Phạm Biểu Tâm, hai người thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy làm nghề, giúp ông hình thành tinh thần học hỏi không ngừng trong nghiên cứu và sự tận tụy với người bệnh.

GS_LE_QUANG_NGHIA_HUONG_DAN_HOC_VIEN

GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa hướng dẫn sinh viên nội trú

 

“GS Phạm Biểu Tâm dạy tôi mổ tiêu hóa, sự cẩn trọng trong từng ca phẫu thuật và sự tận tình, cận kề với người bệnh. Tôi học ở thầy từ cách trấn an người bệnh trước phẫu thuật đến sự theo dõi chu đáo sau mổ. Những bài học đó, cho tới tận hôm nay, vẫn nguyên giá trị”, GS Lê Quang Nghĩa tâm sự.

Bằng nỗ lực trong nghiên cứu và thực hành lâm sàng, ông được trao bằng tiến sĩ Y khoa năm 1995, được phong hàm Phó giáo sư năm 2001 rồi giáo sư năm 2007. Đó là những mốc son trong cuộc đời của người bác sĩ kiêm giảng viên y khoa. Nhưng ông nói, vinh quang lớn nhất cuộc đời ông không nằm ở đó, mà là thấy người bệnh thoát cơn hiểm nghèo, trở về với cuộc sống. Đó là lúc ông cảm nhận được sâu sắc nhất, ông đã sống có ích cho cuộc đời này.

Người thầy mẫu mực, say nghề

Theo GS Lê Quang Nghĩa, khi xưa các thầy dạy ông, một bác sĩ phẫu thuật giỏi phải có 3 điều kiện: con mắt diều hâu, trái tim sư tử và bàn tay người phụ nữ. Ông cắt nghĩa: Con mắt diều hâu để nhìn tỏ tường, biết khi nào phải ngưng, để không làm tổn thương, không gây tai biến cho người bệnh trong lúc phẫu thuật; Trái tim sư tử là mạnh dạn trước phẫu thuật lớn hòng cứu người bệnh và bàn tay của người phụ nữ khéo léo, nhẹ nhàng, cẩn trọng trong thao tác phẫu thuật.

GS Lê Quang Nghĩa nói thêm, người bác sĩ không được làm liều cũng không được nhát, vì cả hai đều có thể làm mất đi cơ hội sống của người bệnh. Ví như giai đoạn đầu của phẫu thuật ung thư thực quản tại Việt Nam, tỷ lệ biến chứng còn cao và khá nặng nề, nên cấp trên có lúc muốn ngưng phẫu thuật này.

Nhưng nếu mình không phẫu thuật, bệnh nhân biết bấu víu vào đâu? Nghĩ thế, nên ông khi đó kiên tâm thuyết phục cấp trên, thuyết phục các thầy cho mình một năm để cải tiến cách mổ. Nhờ những kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức ông nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều bệnh nhân ung thư thực quản đã được cứu, được tạo hình lại thực quản bằng ống tiêu hóa thành công.

Với sinh viên y khoa nhiều thế hệ, GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa là người thầy mẫu mực, say nghề. Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông luôn sắp xếp để có mặt trong các buổi sinh hoạt chuyên môn cùng phần tham luận được chuẩn bị chu đáo, những chủ đề hay mà nhiều khi lấy đi của ông nhiều ngày tìm tòi tài liệu, tra cứu, tổng hợp thông tin. Những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ như thế thúc đẩy tinh thần học của bác sĩ.

Quan trọng hơn, mô hình học tập mà GS Lê Quang Nghĩa quen gọi là “Journal Club” thể hiện thái độ và tư duy nghiêm túc đối với giáo dục y khoa của người điều hành. Ở đó, các bác sĩ có cơ hội tiếp cận kiến thức mới liên tục, được gạn lọc sẵn thông tin, nội dung được trình bày và thảo luận trực tiếp, dưới cái nhìn đa chiều từ nhiều giáo sư đầu ngành, các bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm đã khích lệ tinh thần cùng học và phát triển, tinh thần kết nối đa chuyên khoa để chăm sóc, chữa trị cho người bệnh.

Từ lúc là bác sĩ nội trú, ông đã thấy tính hiệu quả của hình thức học này qua những buổi trình ca vào “đêm thứ Năm” nổi tiếng tại Bệnh viện Bình Dân, và khi đã là giáo sư với kinh nghiệm hàng trăm ca mổ, ông lại càng thấy hình thức học này lợi ích cho cả các chuyên gia lành nghề.

Song song với việc chữa bệnh cứu người, ông tâm huyết trao gửi hơn 100 bài giảng đúc rút từ các nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng phong phú của mình đến nhiều thế hệ bác sĩ trẻ hiện nay.

Bởi với ông, họ là tương lai, là bàn tay lương y mà người bệnh nghèo nào cũng khát khao nắm lấy như hình ảnh mà ông đã thấy thuở còn là cậu bé lên 10, trong trận sốt năm ấy. Sinh viên y khoa nhiều thế hệ học ở GS Lê Quang Nghĩa không chỉ là kỹ thuật phẫu thuật tiêu hóa thuần thục mà còn ở tính điềm đạm, cần mẫn và khiêm tốn.

 

GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa sinh năm 1949 tại Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú năm 1976 và gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ đó đến nay với nhiều vị trí quan trọng như bác sĩ điều trị, giảng viên, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Phó giám đốc bệnh viện.

Ông hiện là cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Bình Dân, giảng viên Trường Đại học Y Dược và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông là một trong những giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật tiêu hóa, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về phẫu thuật điều trị ung thư thực quản.

GS Lê Quang Nghĩa cải tiến kỹ thuật mổ, tạo hình thực quản bằng ống tiêu hóa mang lại đời sống chất lượng cho nhiều người bệnh ung thư thực quản không nuốt được thức ăn.

MINH NAM

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng