Những dấu hiệu cảnh báo các bất thường của tuyến tiền liệt

Thứ tư, 17/07/2019, 11:23 GMT+7

Những bất thường ở tuyến tiền liệt có thể gây triệu chứng ở đường tiểu dưới. Nhận biết được sớm các dấu hiệu bất thường này sẽ giúp quá trình theo dõi và điều trị các bệnh lý của tuyến tiền liệt kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng phức tạp và nguy hiểm.

03-02

Tuổi tác ở nam giới là một yếu tố nguy cơ

Trong y khoa, các bất thường về vấn đề đi tiểu được gọi chung là các triệu chứng đường tiểu dưới, dùng để mô tả các rối loạn liên quan đến cơ quan của đường tiết niệu dưới như: bàng quang, tuyến tiền liệt và niệu đạo. Quý ông tuổi càng cao thì tuyến tiền liệt bắt đầu phì đại (tăng sinh), kích thước lớn dần lên do những thay đổi của nội tiết tố. Điều này sẽ làm biến dạng vùng cổ bàng quang, niệu đạo và gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới. Các triệu chứng đường tiểu dưới được chia thành 2 nhóm triệu chứng chính: bế tắc và kích thích. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà hoạt động bàng quang còn hiệu quả hay không, sẽ thể hiện lâm sàng nhóm triệu chứng nào nổi bật. Thường bệnh nhân có triệu chứng kích thích gặp nhiều hơn nhóm triệu chứng bế tắc.

Nhóm các triệu chứng kích thích

+ Tiểu gấp: tức là khi mắc tiểu quý ông khó nhịn lại được, đi tiểu trong quần khi không kịp vào nhà vệ sinh. Triệu chứng này nặng hơn khi sử dụng cafein hay rượu bia. Tình trạng này thường kèm theo đi tiểu nhiều lần hay thường được gọi là đi tiểu lắt nhắt.

+Tiểu đêm: là khi ngủ ban đêm phải dậy đi tiểu nhiều lần (từ 2 lần trở lên và loại bỏ các yếu tố khác gây tiểu đêm như: uống nước nhiều trước khi đi ngủ, yếu tố thần kinh…). Thường ở người cao tuổi sau khi đi tiểu khó ngủ lại được do đó triệu chứng này làm giảm chất lượng cuộc sống nặng nề. Triệu chứng này làm quý ông phải thức dậy thường xuyên, gây ra tình trạng mất ngủ.

Nhóm các triệu chứng bế tắc

Trước hết, cần phải phân biệt tình trạng này với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như hẹp niệu đạo, hẹp cổ bàng quang…

+ Tiểu khó: Tình trạng quý ông phải rặn mới khởi động tiểu được gây cảm giác căng tức đầy bàng quang. Thường quý ông bị tiểu khó hay than phiền là đứng thật lâu trong nhà vệ sinh mới có thể đi tiểu, khi có triệu chứng này dễ dẫn đến bí tiểu. Bí tiểu có thể xảy ra sau một thời gian dài rối loạn đi tiểu nhưng cũng có khi khởi phát đột ngột sau một thời gian tiềm ẩn lâu dài

+ Tiểu dòng tiểu yếu: Tia nước tiểu yếu, tiểu làm nhiều giai đoạn, tia nước yếu không tiểu ra xa được, thời gian tiểu khá lâu. Thường triệu chứng này làm đi tiểu không hết nên gây ra đi tiểu lắt nhắt nhiều lần vì tình trạng nước tiểu còn tồn lưu nhiều. Triệu chứng này phát triển chậm càng ngày càng nặng hơn theo thời gian.

+ Nước tiểu tồn lưu nhiều: Tiểu xong có cảm giác tiểu chưa hết, phải đi tiểu lại trong vòng chưa đầy 2 giờ. Nhiều lúc quý ông phải đứng chờ để đi tiểu lần 2 cho hết. Thường trong giai đoạn này bàng quang ít nhiều đã chịu hậu quả của biển đổi cơ học như cột hõm, túi ngách…

Rối loạn đường tiểu dưới nặng

Có nhiều trường hợp quý ông đến khám khi đã có triệu chứng rối loạn đườngtiểu dưới nặng như tiểu không tự chủ, phải mặc tã thường xuyên. Khi đến giai đoạn này, quý ông ít nhiều đã có những ảnh hưởng đến chức năng thận. Hoặc quý ông đến khám vì tiểu máu, nước tiểu từ hồng đến đỏ sậm. Tình trạng này ít gặp hơn và thường phát hiện máu ở nước tiểu đầu bãi. Quý ông cũng có thể đến khám trong tình trạng nhiễm khuẩn đường niệu với các triệu chứng như tiểu gắt buốt, đau vùng bàng quang và dọc niệu đạo. Có những trường hợp đến khám khi đã có biến chứng nặng như: không đi tiểu được, bàng quang căng cứng có thể thấy rõ bàng quang trên rốn khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ phải đặt thông để thoát nước tiểu, thời điểm này bệnh nhân phải cẩn thận trong lúc di chuyển vì có thể gây ra vỡ bàng quang. Những biểu hiện lâm sàng trên tái phát nhiều lần là những chứng cứ giúp bác sĩ chẩn đoán mức độ và hướng điều trị can thiệp.

Bệnh có thường gặp không?

Triệu  chứng đường tiểu dưới thường gặp ở nam giới và đặc biệt là nam giới bắt đầu trên 45 tuổi; tuy nhiên, triệu chứng đường tiểu dưới cũng có thể xảy ra ở thanh niên trẻ tuổi. Các nghiên cứu y khoa cho thấy khoảng 7% nam giới ở tuổi 40, 29% nam giới trên 70, được ghi nhận có triệu chứng đường tiểu dưới từ vừa đến nặng. Bệnh phát triển chậm, kéo dài nhiều năm do đó quý ông có thể thích nghi dần, vì vậy khó xác định được thời điểm khởi phát bệnh và quý ông thường đến khi đã có biến chứng.

03-01

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Triệu chứng đường tiểu dưới có thể là một phần của quá trình lão hóa nhưng đôi khi do những rối loạn cần phải điều trị như: hẹp niệu đạo, bàng quang thần kinh, bướu tuyến tiền liệt có biến chứng… Vì vậy nên gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nếu thấy có những thay đổi kể trên, đặc biệt nếu triệu chứng đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hay các hoạt động bình thường hàng ngày.Tùy theo từng mức độ tình trạng bệnh lý mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa cho quý ông một hướng điều trị hợp lý.

ThS.BS. Lê Trọng Khôi