Phát hiện mình là con trai sau 16 năm

Thứ ba, 30/05/2023, 08:24 GMT+7

Trường hợp này được TS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), chia sẻ sáng 27/5 trong buổi trò chuyện cùng bác sĩ nam khoa với chủ đề bất thường ở cơ quan sinh dục nam.

Nhầm lẫn giới tính suốt 16 năm

Tiến sĩ Dũng cho biết bệnh nhân khi sinh ra đã mắc bệnh lý niệu đạo đóng thấp và người đỡ đẻ nhầm lẫn trẻ có giới tính nữ. Vùng bìu bệnh nhân úp lại, người ta cứ tưởng đó là hai môi lớn và phía dưới có lỗ nhỏ bị nhầm lỗ âm đạo nên đã đặt tên Nguyễn Thị B.

Đến khi 12-13 tuổi, bé bắt đầu có hiện tượng dậy thì sớm. Tuy nhiên, bé không có hiện tượng kinh nguyệt, ngực không phát triển và không thấy đặc tính nào của cơ quan sinh dục nữ.

Sau khi bệnh nhân đi khám ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trẻ được phát hiện ra đây là một cái bất thường liên quan dị dạng cơ quan sinh dục nam và chuyển qua Bệnh viện Bình Dân.

“Trường hợp này, chúng tôi khá vất vả trong vòng hai năm để giúp trẻ. Thứ nhất, chúng tôi xác định lại giới tính, thứ 2, chuyển đổi về căn cước công dân, hộ khẩu, tên… Việc thứ 3 là làm thêm phẫu thuật sửa thẳng dương vật cho trẻ”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Theo ông, đối với những ca bệnh này, trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều vì nghĩ rằng mình là con gái trong thời gian dài rồi lại phải sống trong môi trường của con trai.

“Đặc biệt, đối với bệnh lý niệu đạo đóng thấp, nếu lỗ tiểu đóng thấp càng nằm về phía sau ở vùng góc bìu, tình trạng càng nặng. Ở trường hợp này, người bệnh bị ảnh hưởng khá nặng nề”, tiến sĩ Dũng nói thêm.

z4381683996463_f3be342dd8c45ee1dd5436b5eaea5635

Việc nhầm lẫn giới tính ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Ảnh minh họa: Shipin520.

Nguyên nhân

Bệnh lý miệng niệu đạo thấp là miệng niệu đạo lạc chỗ, có thể mở ra ở bất kỳ vị trí nào ở bụng dương vật từ quy đầu đến tận bìu, tầng sinh môn.

Bệnh lý này xuất hiện ở quy đầu trước khoảng 50%, ở vùng thân dương vật khoảng 30% và ở phía sau khoảng 20%. Tần suất trẻ bị bệnh khá cao, khoảng 1/200-1/300 trẻ nam.

Những dị tật liên quan bệnh lý trên cơ quan sinh dục nam gồm: Dương vật luôn gập xuống, da quy đầu dài, lỗ tiểu nằm hở ở bụng dương vật. Thể nặng gồm hội chứng gọi như bìu chẻ đôi, thân dương vật nằm ở giữa.

Một số hóa chất như thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường, kim loại nặng..., tác động đến hệ thống nội tiết của mẹ có thể gây ra dị tật các cơ quan ở thai nhi, trong đó có miệng niệu đạo thấp

Rối loạn quá trình sinh tổng hợp testosterone, nhất là sự suy giảm hoạt động của 3 enzyme, cũng ảnh hưởng đến bệnh lý này.

Bác sĩ khuyến cáo nên phẫu thuật tạo hình miệng niệu đạo thấp cho trẻ trước 5 tuổi (tuổi bắt đầu đi học) để hạn chế tác động về mặt tâm sinh lý.

Trước khi phẫu thuật cho trẻ bị lỗ tiểu thấp, bác sĩ cần giải thích rõ, phát quy trình điều trị cho người thân của bé. Ngoài ra, trong vòng một tuần, họ cần thực hiện một số xét nghiệm trước phẫu thuật, bao gồm huyết đồ và chức năng đông máu.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi một số biểu hiện như tri giác sau gây mê, tổng trạng, sinh hiệu, da, tình trạng vết mổ, thông tiểu…

Khi trẻ xuất viện, phụ huynh cho uống thuốc theo toa, tái khám đúng hẹn nhằm đánh giá kết quả, theo dõi, xử lý biến chứng. Nếu sau phẫu thuật, trẻ có gặp các tình trạng tiểu khó, bí tiểu, tiểu rò… cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện tái khám kịp thời.

Nguồn: https://zingnews.vn/phat-hien-minh-la-con-trai-sau-16-nam-post1434879.html