Sỏi túi mật khi nào nên phẫu thuật?

Thứ hai, 25/07/2022, 16:13 GMT+7

Hiện nay sỏi túi mật là một trong những bệnh lý thường gặp nhất của bệnh lý đường tiêu hóa. Tại các nước công nghiệp có 10-15% nam và > 25% nữ mắc bệnh sỏi túi mật, đa số các trường hợp bệnh nhân có sỏi túi mật không có triệu chứng. Tại Việt Nam, tỉ lệ sỏi túi mật ngày càng tăng so với sỏi đường mật chính. Đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhiều bệnh nhân phát hiện sỏi túi mật khi đi khám sức khỏe định kỳ và thường thắc mắc về các phương pháp điều trị sỏi túi mật.

Tại Mỹ có > 500.000 trường hợp cắt túi mật mỗi năm vào thập niên 1960, đến thập niên 1980 nhờ sự phát triển của kỹ thuật cắt túi mật nội soi, số trường hợp cắt túi mật do sỏi tăng lên > 700.000 trường hợp mỗi năm.   

Các yếu tố nguy cơ tạo sỏi túi mật

*Tuổi: Trong tất cả các nghiên cứu, tỉ lệ sỏi túi mật tăng theo tuổi. Đôi khi, sỏi túi mật xuất hiện ở trẻ em, nhưng trong những trường hợp này thường kèm theo những rối loạn điển hình khác như tán huyết, dị dạng bẩm sinh, rối loạn hồi tràng, hội chứng ruột ngắn…

*Yếu tố di truyền và chủng tộc: Những bằng chứng rõ rệt của các yếu tố gen thúc đẩy sự hình thành sỏi túi mật xuất hiện ở người Ấn độ Pima. Tỉ lệ sỏi túi mật ở phụ nữ Pima trong độ tuổi từ 15-24 là 12% và tăng lên 70% ở độ tuổi từ 25-34. Yếu tố gia đình cũng đã được nghiên cứu nhưng còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

*Giới tính và nội tiết: Tỉ lệ sỏi cholesterol ở giới nữ cao gấp 4 lần giới nam. Mối liên quan giữa sự thay đổi nội tiết thai kỳ và sự hình thành sỏi túi mật đã được ghi nhận > 100 năm. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc sử dụng estrogen ngoại sinh làm tăng nguy cơ tạo sỏi cholesterol.

*Mức sống: Dân thành thị thường bị sỏi túi mật hơn nông dân, tầng lớp trung lưu bị nhiều hơn tầng lớp nghèo.

*Béo phì: Béo phì làm tăng tỉ lệ sỏi túi mật, những nghiên cứu về chuyển hóa trên bệnh nhân béo phì nhận thấy có sự tăng tiết cholesterol của gan so với acid mật và lecithine.

*Các yếu tố khác: Một số yếu tố nguy cơ khác như tăng lipid máu, đái tháo đường, hồi tràng bất thường hoặc bị cắt bỏ…

Triệu chứng

Bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng có thể biểu hiện bằng 1 trong 3 bệnh cảnh lâm sàng.

*Cơn đau quặn mật: có các đặc điểm sau:

  • Đau quặn từng cơn vùng hạ sườn phải hoặc vùng trên rốn.
  • Thường khởi phát đột ngột và chấm dứt trong vòng vài phút đến vài giờ, mức độ đau nhiều ngay từ lúc khởi phát, sau đó đau duy trì trong một thời gian rồi giảm dần.
  • Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn thịnh soạn vào buổi chiều, thức ăn giàu chất béo thường gây đau, tuy nhiên, bất cứ thức ăn nào cũng có thể khởi phát cơn đau quặn mật.
  • Cơn đau thường tái phát nhiều lần.

*Viêm túi mật cấp tính

Tỉ lệ viêm túi mật cấp ngày càng tăng chiếm từ 20-35% các trường hợp cắt túi mật. Cơn đau trong viêm túi mật cấp kéo dài vài ngày, vị trí đau sẽ rõ rệt hơn. Kèm theo đau là các triệu chứng khác như chán ăn, buồn nôn , nôn và sốt.

*Viêm túi mật mạn tính

Bệnh nhân có những cơn đau quặn mật sau khi ăn tái phát nhiều lần. Có thể có nôn ói hoặc buồn nôn kèm theo cơn đau. Khoảng 50% trường hợp có triệu chứng chướng bụng. Rất hiếm khi có sốt hoặc vàng da.

Nhờ sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, nhiều trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng được phát hiện tình cờ. Siêu âm là chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn của sỏi túi mật.

soi-tui-mat-6mm-trieu-chung

Sỏi túi mật

Sỏi túi mật nên có chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài 20 năm nhận thấy chỉ có khoảng 20% bệnh nhân sỏi túi mật không triệu chứng trở nên có triệu chứng hoặc biến chứng cần điều trị bằng phẫu thuật. Không nên cắt túi mật dự phòng khi bệnh nhân sỏi túi mật chưa có triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao có thể xét chỉ định cắt túi mật dự phòng như: thiếu máu tán huyết, thành túi mật dày hoặc có vôi hóa, sỏi  ≥ 2,5 cm, có nhiễm trùng nặng do bệnh miễn dịch, sắp được phẫu thuật ghép tạng…
  • Sỏi túi mật có triệu chứng cơn đau quặn mật nên được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật. Đối với bệnh nhân đã có triệu chứng nhẹ, mỗi năm có 1-3% xuất hiện biến chứng, đối với những bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn hoặc tái phát nhiều lần, mỗi năm có 7% xuất hiện biến chứng. Trong thời gian chờ phẫu thuật, bệnh nhân cần thay đổi lối sống và nên kiêng chất béo.
  • Trong một số trường hợp bệnh nhân có cơn đau quặn mật nhưng siêu âm không có sỏi mà chỉ có bùn mật. Nếu bênh nhân có cơn đau quặn mật tái phát nhiều lần và đồng thời siêu âm có bùn mật vẫn có chỉ định điều trị cắt túi mật.

Các phương pháp điều trị sỏi túi mật không phẫu thuật hiện nay rất hiếm khi được sử dụng. Các phương pháp này là dùng thuốc tan sỏi đường uống (ursodeoxycholic acid và chenodeoxycholic acid), thuốc tan sỏi mật tiếp xúc trực tiếp (methyl tert-butyl ether) và tán sỏi laser ngoài cơ thể. Thuốc tan sỏi đường uống chỉ dùng cho bênh nhân sỏi cholesterol và túi mật phải còn chức năng. Thuốc không có tác dụng đối với sỏi có calcium cản quang trên film X quang và CT scan. Theo nhiều nghiên cứu trước đây, thuốc có tác dụng tan sỏi khoảng 40% trên những bệnh nhân được chọn lọc cẩn thận nhưng tỉ lệ tái phát > 50% sau 5 năm ngưng điều trị.

Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật nội soi là lựa chọn tiêu chuẩn cho bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng. Các ưu điểm của phẫu thuật cắt túi mật nội soi so với phẫu thuật mở: thẩm mỹ, ít đau, tỉ lệ biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn, thời gian làm việc trở lại sớm.

Khoa Gan Mật Tuy