Hướng dẫn giáo dục bệnh lí trĩ

Thứ bảy, 29/01/2022, 17:41 GMT+7

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, tỷ lệ bệnh nhân lưu hành ước khoảng 25 – 40% dân số, gặp nhiều cả nam và nữ.

Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Bệnh trĩ xuất hiện không rõ ràng, không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh trĩ, vì trĩ là một trạng thái sinh lý bình thường và chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám bệnh.

Dựa theo cấu trúc giải phẫu, bệnh trĩ được chia thành 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại.

Trĩ nội là những búi trĩ xuất hiện phía trên cơ thắt hậu môn, là loại trĩ thường gặp. Trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn.

1_3

Hình 1. Cấu tạo đám rối trĩ ở hậu môn

2. Nguyên nhân của bệnh trĩ?

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:

  • Táo bón kéo dài: khi bị táo bón, bệnh nhân rặn nhiều, khiến áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
  • Tăng áp lực ổ bụng: những người bệnh bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phải ho nhiều và những người làm lao động nặng như khuân vác; làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.
  • Lối sống tĩnh tại: người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may…
  • Khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh: như ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
2_3

Hình 2. Một số hoạt động thuận lợi tạo bệnh trĩ

3. Triệu chứng của bệnh trĩ như thế nào?

  • Chảy máu: triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất.
  • Sa búi trĩ: thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, về sau các búi trĩ sa nhiều nằm ngoài hậu môn kể cả không đi đại tiện.
  • Đau: do tắc mạch xuất hiện trong búi trĩ những cục máu đông nhỏ, có thể nứt hậu môn đi kèm.
  • Ngứa: do dịch tiết tại vùng hậu môn
  • Thiếu máu: do chảy máu rỉ rã theo thời gian dẫn đến tình trạng thiếu máu.

4. Chẩn đoán bệnh trĩ bằng cách nào?

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng: Đại tiện có máu tươi. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể gặp ở các bệnh khác như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng.

Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh trĩ cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nói trên.

Nội soi đại trực tràng ống mềm có thể chẩn đoán chính xác bệnh trĩ và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở trực tràng và đại tràng như ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn…

5. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ hiện nay là gì?

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh trĩ mà ta có các phương pháp điều trị khác nhau.

3_2

Hình 3. Phân độ trĩ nội (4 độ)

Trĩ ngoại không có phân độ.

Điều trị nội khoa

  • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà. Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu. Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ.
  • Vận động thể lực: nên tập thể dục , bơi lội, đi bộ…
  • Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản…
  • Vệ sinh tại chỗ tốt bằng phương pháp ngâm nước ấm 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.
  • Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.
  • Thuốc tại chỗ: gồm các loại thuốc mỡ và đạn bao gồm các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất hỗ trợ tĩnh mạch.

Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật

  • Thủ thuật: áp dụng cho trĩ nội độ I, II
    • Tiêm xơ búi trĩ
    • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su
    • Liệu pháp đông lạnh, quang học, đốt điện 
  • Phẫu thuật: áp dụng cho trĩ nội độ III, IV và trĩ ngoại
    • Phổ biến nhất:
      • Phẫu thuật cắt trĩ từng búi (Saint Mark)
      • Phẫu thuật khâu treo trĩ bằng máy Longo
      • Phẫu thuật triệt mạch trĩ bằng laser
      • Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
4_3
Hình 4. Phẫu thuật trĩ bằng máy Longo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Hối N.Đ. (2011), BỆNH HỌC NGOẠI KHOA TIÊU HÓA, Nhà xuất bản Y Học.

2.        Yang H.K. (2014), Hemorrhoids, Springer Heidelberg New York Dordrecht London, Berlin, Heidelberg.