Hướng dẫn giáo dục bệnh lí ung thư dạ dày

Thứ bảy, 29/01/2022, 15:53 GMT+7

1. Bệnh Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày (UTDD) là khi một khối u ác tính phát triển trong dạ dày và có khả năng di căn sang các cơ quan khác. UTDD là nguyên nhân gây ung thư gây tử vong đứng hàng thứ ba ở cả hai giới.

Các khối u được gọi là ung thư biểu mô tuyến là loại UTDD phổ biến nhất. Ung thư biểu mô là một bệnh ung thư phát sinh từ mô lót các cơ quan nội tạng hoặc lớp biểu mô của da. Các dạng khác bao gồm u lympho, u carcinoid và u mô đệm đường tiêu hóa.

vi_tri_da_day
Hình 1. Vị trí dạ dày so với các cơ quan trong ổ bụng

2. Nguyên nhân của bệnh Ung thư dạ dày?

Nguyên nhân của bệnh liên quan nhiều yếu tố. Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori được chứng minh là nguyên nhân thường gặp gây ra UTDD.

3. Triệu chứng của bệnh Ung thư dạ dày như thế nào?

UTDD thường không có các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu nên thường được chẩn đoán muộn trong quá trình bệnh. Ở giai đoạn đầu của bệnh UTDD, các triệu chứng chưa xuất hiện rõ rệt và hầu hết được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, cần thận trọng kiểm tra bệnh lý định kỳ, tránh tình huống xấu chuyển hóa thành ung thư.

Tuy vậy, người bệnh cần chú ý đi kiểm tra sức khỏe ngay khi phát hiện một số dấu hiệu như sau:

  • Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh UTDD. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển, thậm chí có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể chỉ trong vòng 3 tháng.
  • Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không thuyên giảm..
  • Chán ăn: Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân UTDD, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.
  • Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.
  • Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.
  • Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.

4. Chẩn đoán bệnh Ung thư dạ dày bằng cách nào?

Để phát hiện sớm ung thư dạ dày cách tốt nhất là thực hiện sàng lọc ung thư thực quản - dạ dày.

Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để kiểm tra như sau:

  • Chẩn đoán ung thư dạ dày

Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng: cho phép xem trực tiếp toàn niêm mạc bên trong dạ dày. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô (sinh thiết) tại tổn thương nghi ngờ để xác nhận chẩn đoán. Nội soi rất quan trọng để phát hiện ung thư giai đoạn sớm phát triển từ lớp niêm mạc phủ trên hoặc dưới của ống tiêu hóa.

noi_soi_da_day

Hình 2. Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng
  • Sinh thiết

Các bác sĩ làm sinh thiết trong quá trình nội soi trên bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ từ một khu vực nhìn không bình thường của dạ dày. Sau đó bác sĩ khác nhìn vào mô đó dưới kính hiển vi. Khi các bác sĩ đã chẩn đoán xác định, các xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để chẩn đoán giai đoạn

  • Các xét nghiệm khác

Các xét nghiệm khác như Chụp cắt lớp điện toán (CT), các dấu ấn ung thư trong máu (CEA, CA 19-9, CA72-4) giúp xác định giai đoạn ung thư trước mổ.

5. Điều trị bệnh Ung thư dạ dày như thế nào?

Hiện nay, điều trị UTDD là điều trị kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Việc phối hợp các phương pháp nhằm mục đích đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Các phương pháp đó bao gồm:

  • Phẫu thuật: là phương pháp điều trị chủ yếu khi khối u ở giai đoạn sớm. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần dạ dày chứa u thông qua:
    • Phẫu thuật mở
    • Phẫu thuật nội soi
    • Phẫu thuật robot
  • Hóa trị: là phương pháp sử dụng thuốc diệt tế bào ung thư tại chỗ và toàn thân.
  • Xạ trị: là phương pháp sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ.