Phẫu thuật nối bạch mạch - tĩnh mạch điều trị phù tay voi

Thứ hai, 22/11/2021, 14:08 GMT+7

Phẫu thuật nối bạch mạch - tĩnh mạch (LVA) là một trong những phương pháp điều trị phù tay voi (phù bạch mạch) hiệu quả, đặc biệt các trường hợp ở giai đoạn sớm.

Phù bạch mạch hay còn gọi phù tay voi, phù chân voi, là bệnh lý khá phổ biến với các nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải như: dị dạng bẩm sinh của hệ thống bạch mạch, nhiễm ký sinh trùng. Đặc biệt, tình trạng này còn là biến chứng hay gặp sau phẫu thuật ung thư, xạ trị do tổn thương hệ bạch mạch và/hoặc bạch huyết làm giảm khả năng vận chuyển dịch, khiến tay, chân ngày càng to ra, dị dạng và đau nhức.

1

Bệnh phù tay voi qua từng giai đoạn

Phẫu thuật nối bạch mạch - tĩnh mạch là gì?

Lymphaticovenous anastomosis (LVA) là phương pháp kết nối trực tiếp các mạch bạch huyết ở ngoại vi với các tĩnh mạch nhỏ gần đó bằng kỹ thuật siêu vi phẫu. Điều này cho phép dịch bạch huyết chảy trực tiếp vào tĩnh mạch và được đưa trở lại tuần hoàn của cơ thể để lưu thông tự nhiên.

Phẫu thuật có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ và bệnh nhân có thể trở về nhà ngay trong ngày phẫu thuật.

2

Điều chỉnh dòng chảy từ bạch mạch qua tĩnh mạch

Bệnh nhân phù tay voi nào phù hợp điều trị bằng LVA?

Phẫu thuật LVA là một giải pháp hiệu quả ở những bệnh nhân bị phù tay voi (phù bạch mạch) ở giai đoạn rất sớm, không có sự xơ hóa của các mạch bạch huyết.

Ưu điểm?

Ưu điểm lớn của phương pháp phẫu thuật này là các vết mổ nhỏ, có thể về trong ngày sau can thiệp, thời gian hồi phục nhanh, đem lại hiệu quả cao cho các trường hợp phù bạch mạch ở giai đoạn sớm.

Nhược điểm?

Đây là kỹ thuật cao, khó thực hiện, đòi hỏi phải có đội ngũ được đào tạo huấn luyện về vi phẫu, siêu vi phẫu. Cần các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi điện tử có độ phóng đại cao, chỉ khâu siêu nhỏ.

Phẫu thuật LVA điều trị phù tay voi tiến hành như thế nào?

  • Bệnh nhân được khám bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - tái tạo: Đánh giá tổng trạng chung, các bệnh lý kèm theo, tiền sử bệnh trước đó, tính chất phù, mức độ phù, giai đoạn phù. Bệnh nhân được cho làm các xét nghiệm thường quy trước mổ và một số xét nghiệm đặc hiệu. Sau đó chẩn đoán xác định phù bạch mạch, giai đoạn và phương pháp phẫu thuật cụ thể.
  • Bệnh nhân được khám bởi Bác sĩ gây mê để đánh giá nguy cơ gây mê gây tê và chuẩn bị vô cảm để phẫu thuật.
  • Rạch da: Sau khi xác định đường đi của các mạch bạch huyết, 2-3 vết mổ nhỏ dài 3-4cm sẽ được rạch trên chi bị phù.
  • Phẫu tích bạch mạch, tĩnh mạch: Qua các vết rạch, Bác sĩ sẽ phẫu tích để chọn lựa các bạch mạch, tĩnh mạch nhỏ để nối.
  • Nối bạch mạch - tĩnh mạch nhỏ: Thực hiện các miệng nối bạch mạch - tĩnh mạch nhỏ dưới kính hiển vi điện tử bằng chỉ không tiêu 11.0, 12.0.
  • Khâu đóng vết mổ.
  • Băng ép chi.

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

  • Khi kết thúc quy trình phẫu thuật, bạn sẽ được mặc quần áo nén hặc băng ép hoặc sử máy nén ép trị liệu áp dụng cho chi phù để giúp tăng cườn dòng chảy từ bạch mạch về tĩnh mạch. Quá trình này tiếp tục duy trì với các biện pháp như massage dẫn lưu bạch huyết, thể dục trị liệu cho đến 6 tháng sau phẫu thuật. Sau đó giảm cường độ băng ép, nén ép.
  • Bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh trong 2 tuần, kháng viêm và giảm đau trong 5-7 ngày.
  • Vết mổ cắt chỉ sau 7 ngày.

Nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật

Bệnh nhân phẫu thuật LVA điều trị phù tay voi phù bạch mạch phần lớn đều đạt được kết quả điều trị tích cực và biến chứng xảy ra thường không đáng kể. Tuy nhiên, không có phẫu thuật nào không có rủi ro, biến chứng và điều quan trọng là bạn hiểu rõ các rủi ro biến chứng liên quan đến thủ tục này như:

Biến chứng của gây tê, gây mê

Nhiễm trùng: Không phổ biến nhưng người bệnh có thể cần điều trị một đợt kháng sinh.

Các miệng nối tắc nghẽn hoặc không hoạt động: Phẫu thuật LVA có thể không cải thiện phù bạch mạch của người bệnh hoặc kết quả có thể không duy trì lâu.

Sẹo xấu

3
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật nối bạch mạch - tĩnh mạch nhỏ

Tiến Sĩ - Bác Sĩ NGUYỄN VĂN PHÙNG

Đơn vị Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Bình Dân