Thông tin cho người bệnh: thoát vị bẹn

Thứ bảy, 29/01/2022, 17:31 GMT+7

1. Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn là sự thoát ra ngoài của các tạng rỗng trong ổ bụng qua lỗ cân cơ lược thành bụng (lỗ Fruchaud). Phúc mạc qua vùng bị yếu của thành bụng (như lỗ cơ lược) đội ra ngoài kéo theo nội tạng chứa bên trong tạo nên túi thoát vị, cổ thoát vị là lớp cơ vân hay lớp cân bên trong nhất của thành bụng.

Các lọai thoát vị:

  • Thóat vị bẹn gián tiếp là thoát vị qua lỗ bẹn sâu.
  • Thoát vị bẹn trực tiếp là thoát vị qua tam giác Hesselbach.
  • Thoát vị đùi là thoát vị qua lỗ đùi, bên trong tĩnh mạch sâu.

Có khoảng 5% dân số bị thoát vị thành bụng trong đó đa số xảy ra ở vùng bẹn chiếm 75%. Hai phần ba là thoát vị bẹn gián tiếp, phần còn lại là thoát vị bẹn trực tiếp, thoát vị đùi chỉ chiếm khoảng 3% trong thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn ở nam nhiều hơn nữ 25 lần. Thoát vị bẹn gián tiếp thường gặp trong cả hai giới. Ở nam thoát vị bẹn gián tiếp nhiều hơn thoát vị bẹn trực tiếp 2 lần. Thoát vị bẹn trực tiếp ít gặp ở nữ giới. Mặc dù thoát vị đùi ở nữ nhiều hơn nam, nhưng thoát vị bẹn vẫn thường gặp nhất ở nữ giới. Thoát vị đùi hiếm gặp ở nam giới.

1_2
Hình 1: Hình ảnh mô tả thoát vị

Biến chứng của thoát vị bẹn thường gặp nhất chính là thoát vị nghẹt. Khối thoát vị căng đau và không đẩy lên được. Cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay vì nếu chỉ sau 6 – 12 giờ tạng sẽ bị hoại tử dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng), và những rối loạn toàn thân.

2. Yếu tố nguy cơ của bệnh thoát vị bẹn:

Thoát vị bẹn được gây ra bởi sự kết hợp của yếu cơ vùng bẹn và tăng áp lực thường xuyên tại thành bụng xảy ra chỗ thoát vị. Các yếu tố nguy cơ như dưới đây:

  • Nam giới.
  • Tuổi: tỷ lệ thoát vị gia tăng theo tuổi tác, càng lớn tuổi thoát vị bẹn càng nhiều, đặt biệt từ sau 75 tuổi thoát vị tăng lên hơn hai lần so với trước 65 tuổi do cơ thành bụng yếu.
  • Tiền sử gia đình có người bị thoát vị bẹn.
  • Sự trao đổi chất collagen bất thường.
  • Phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt tận gốc.
  • Táo bón kinh niên
  • Ho dai dẳng kéo dài trong viêm phế quản mạn
  • Cổ trướng, các khối u lớn trong ổ bụng, u đại tràng
  • Thai kì

3. Triệu chứng của bệnh thoát vị như thế nào?

Đa số bệnh nhân đến khám vì một khối phồng ở vùng bẹn. Lúc đầu, khối phồng xuất hiện khi làm việc nặng, khi chạy nhảy, khi rặn hoặc ho và tự biến mất. Nhiều tháng sau khối phồng to dần, xuất hiện khi đứng và mất khi nằm hoặc lấy tay đè ép. Có thể có kèm theo triệu chứng đau tức vùng bẹn và khi khối thoát vị to có thể gây ra khó chịu ở vùng thượng vị do sự kéo căng của mạc treo ruột.

Một số triệu chứng cơ năng có thể gặp:

  • Cơn đau cấp tính xuất hiện đột ngột
  • Viêm đau quanh vùng thoát vị
  • Đi phân có máu
  • Táo bón
  • Sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
  • Bí trung đại tiện
2_2
Hình 2: Khối phồng thoát vị

4. Chẩn đoán bệnh thoát vị bằng cách nào?

Chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng nhìn và sờ thấy khối phồng vùng bẹn đùi khi phình bụng (làm động tác Valsalva) hay khi đứng lên, đè ép thì khối phồng xẹp đi và làm các nghiệm pháp. Thăm khám lâm sàng có độ nhạy 75% và độ đặc hiệu 96% trong chẩn đoán thoát vị bẹn.

Siêu âm là chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong chuẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt hay không nghẹt. Chụp căt lớp vi tính (CT SCAN) hay chụp cộng hưởng từ (MRI) ít khi dùng đến, chỉ dành cho các trường hợp không rõ thoát vị hay u vùng bẹn không điển hình.

3_1
Hình 3: Ảnh minh họa Thăm khám – siêu âm chẩn đoán

Bệnh lý thoát vị bẹn thường chẩn đoán phân biệt:

  • Với các bệnh liên quan u bướu vùng bẹn như: bướu mỡ, bướu bã, tụ máu, bệnh lý hạch bạch huyết, phình hay giả phình động mạch đùi…: các khối u này thường không tự mất đi và đè ép thì không xẹp.
  • Với các bệnh liên quan đến tinh hoàn như: bìu căng to trong trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn nhưng không đau, còn đối với dãn tĩnh mạch tinh hoàn thì bìu to hơn ở bên trái kèm đau tức khi chạy nhảy nhiều. Tinh hoàn lạc chỗ thì không có khó chịu gì và bệnh nhân thường đã biết là không có đủ hai tinh hoàn trong bìu. Viêm mào tinh hoàn, xoắn tinh hoàn thường đau nhiều vùng bìu và kèm đau dọc theo thừng tinh khi sờ nắn.

Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh thoát vị bẹn, bệnh nhân cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nói trên.

5. Các phương pháp điều trị bệnh thoát vị hiện nay là gì?

Thoát vị bẹn có triệu chứng thì điều trị bằng phẫu thuật, còn không có triệu chứng thì có thể chờ đợi vì nguy cơ thoát vị nghẹt thấp (0.3%). Điều trị bằng phẫu thuật: Nên được sự tư vấn với chuyên môn của bác sĩ, đặc điểm bệnh nhân và loại thoát vị.

Một số phương pháp phẫu thuật hiện nay: Phẫu thuật phục hồi thành bụng với  mảnh ghép hay sử dụng các mô tại chỗ với các phương pháp sau

      • Phẫu thuật phương pháp Lichtenstein
      • Phẫu thuật phương pháp nội soi TEP, TAPP
      • Phẫu thuật sử dụng mô tại chỗ:  phương pháp Shouldice, Bassini, Macvay…
4_2
Hình 4: Một số hình ảnh phẫu thuật khối thoát vị bẹn và phục hồi thành bụng

 

6.  Các phương pháp phòng ngừa thoát vị bẹn

Việc phòng ngừa thoát vị bẹn chủ yếu tập trung vào việc hạn chế các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như:

  • Có chế độ ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu, tránh gây táo bón mãn tính
  • Không hút thuốc là để giảm nguy cơ ho mãn tính
  • Hạn chế những công việc phải mang vác nặng
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát những bệnh lý có nguy cơ dẫn tới thoát vị bẹn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Hữu Thông- Trần Quang Đại (2021), BỆNH HỌC NGOẠI KHOA TIÊU HÓA, Nhà xuất bản y học
  2. International guidelines for groin hernia management, the Netherlands 2018.