Vĩnh biệt Giáo sư Bác sĩ Văn Tần - Người Thầy thuốc dành trọn cuộc đời cho ngành Ngoại khoa Việt Nam

Thứ ba, 05/09/2023, 17:49 GMT+7

Nhiều thế hệ sinh viên y khoa và học viên sau đại học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh không bao giờ quên hình ảnh người Thầy mặc bộ blouse đặc biệt của người phẫu thuật viên, rất hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc, bài học đầu tiên mà Thầy dạy các học trò là bài học về đạo đức của người thầy thuốc, tất cả phải hướng về người bệnh.

HINH_THAY_TAN
Giáo sư Bác sĩ Văn Tần, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp Y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành Y tế Thành phố và cả nước

Đó là Giáo sư Bác sĩ Văn Tần, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp Y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành Y tế Thành phố và cả nước. Ngày 4 tháng 9 năm 2023, Giáo sư Bác sĩ Văn Tần đã từ trần lúc 10 giờ 15 phút tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi mãi mãi của người Thầy thuốc đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp chữa trị cho người bệnh, nghiên cứu và giảng dạy ngoại khoa đã để lại bao tiếc thương cho gia đình, người bệnh, đồng nghiệp và các thế hệ học viên. 

Giáo sư Văn Tần được Nhà nước, Bộ Y tế vinh danh Thầy thuốc ưu tú vào năm 1997, Thầy thuốc nhân dân vào năm 2005, Anh hùng lao động vào năm 2006. Giáo sư Văn Tần còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng I, tập thể kíp mổ Việt - Đức năm 1988; Huy chương Vì thế hệ Trẻ năm 1989; Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về Cải tiến Phẫu thuật phình động mạch chủ năm 1995; Huân chương Lao động hạng III năm 1996; Huy chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2004; Công trình Lao động sáng tạo tiêu biểu 1975 - 2005 về phẫu thuật Ung thư gan và phẫu thuật Phình động mạch chủ bụng; Huân chương Lao động hạng I năm 2014.

Là một trong những bàn tay vàng trong ngành ngoại khoa Việt Nam, Giáo sư văn Tần đã trực tiếp tham gia hơn 30.000 ca mổ khó, phức tạp. Một trong những ca mổ phức tạp nhất mà Giáo sư Văn Tần từng là phẫu thuật viên chính cùng Giáo sư Trần Đông A, Giáo sư Trần Thành Trai là ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh anh em dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức vào năm 1988. Ca mổ trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học nước nhà. Khi đến tuổi nghỉ hưu, thay vì nghỉ ngơi sau nhiều năm dài cống hiến cho ngành y học nước nhà, nhưng với Giáo sư Văn Tần, niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được khám, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh. Chính vì thế, Thầy vẫn tiếp tục làm cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Bình Dân, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên và học viên tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Từ năm 1981, ông từng là phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, một trong những chiếc nôi của ngành ngoại khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh thành phía Nam. Ông từng giữ các chức vụ như: Phó Chủ tịch Hội ngoại Tim mạch, Lồng ngực Việt Nam; Chủ tịch Phân hội Nội soi Lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế. Giáo sư Văn Tần còn có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 và Thạc sĩ. 

“Khi tôi mới vào Nội trú thì Thầy Văn Tần đã là Trưởng Khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân. Thầy là người tận tâm, mổ giỏi, mát tay, không quản ngày đêm đối với những ca cấp cứu khó mà đàn em mời tham vấn. Đó là điều tôi cảm phục nhất ở Thầy” - Giáo sư Lê Quang Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân.

“Năm 1988, tôi đến làm việc tại Khoa Ngoại Tổng quát 3, Thầy Văn Tần khi ấy đang là trưởng khoa. Thầy thật nghiêm khắc trong việc phân công và kiểm tra công việc hàng ngày. Tuy nhiên, trong lúc phẫu thuật, Thầy thật là hiền, ít nói, điềm đạm, không nóng giận khi bác sỹ phụ chưa hiểu ý hoặc điều dưỡng dụng cụ chưa đưa đúng dụng cụ. Nhờ đó, mọi người trong ế-kíp luôn bình tĩnh, tự tin dù có những tình huống khó khi phẫu thuật. Thầy là một bác sỹ rất giỏi chuyên môn nhờ thực hành tốt và kiến thức sâu rộng. Đó là kết quả của một phong cách làm việc nghiêm túc, học tập liên tục không ngừng, thẳng thắn trong nhìn nhận sai lầm của chính mình, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Thầy là tấm gương sáng cho tôi và nhiều thế hệ bác sĩ noi theo. Chúng tôi sẽ luôn khắc ghi những điều Thầy dạy” - Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Công Quyền – Trưởng Khoa Lồng Ngực -Bướu Cổ Bệnh viện Bình Dân

Tất cả nhân viên và người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân đều biết một lịch trình làm việc rất đặc biệt của Giáo sư Văn Tần. Ngày nào Thầy cũng đến bệnh viện từ rất sớm, từ 5 giờ sáng để thăm khám cho từng người bệnh, nhất là những trường hợp bệnh phức tạp trước giờ giao ban để lưu ý cho các bác sĩ điều trị. Thầy dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để tập trung nghiên cứu, viết sách và ra về khi thành phố đã lên đèn. Thầy vẫn duy trì thói quen này và luôn có mặt bất cứ lúc nào người bệnh cần, dù là ngày lễ, tết hay đêm khuya. Thầy xem Bệnh viện Bình Dân như ngôi nhà thứ hai của mình và người bệnh như người than, ngay cả suốt thời gian còn lại của cuộc đời Thầy cho đến ngày Thầy ra đi mãi mãi.

Xin được cung kính nghiêng mình trước một nhà ngoại khoa cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp y khoa và sự nghiệp giáo dục vừa ra đi mãi mãi. Những kiến thức, kinh nghiệm và phong cách làm việc của Giáo sư Văn Tần để lại sẽ là di sản quý giá để tiếp tục ươm mầm cho các thế hệ y bác sĩ tiếp bước trên con đường y khoa chăm sóc sức khỏe nhân dân.

HINH_THAY_TAN-2
Giáo sư Văn Tần đang phát biểu chuyên môn tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023
HINH_THAY_TAN-3
Giáo sư Văn Tần làm chủ tọa tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023
HINH_THAY_TAN-4
Giáo sư Văn Tần cùng với các đồng nghiệp tham dự Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023

Tổ truyền thông Bệnh viện Bình Dân