Bệnh viện Bình Dân tổ chức Hội thảo Điều trị trĩ với phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser

Thứ bảy, 23/03/2024, 10:03 GMT+7

Ngày 23/03/2024 Bệnh viện Bình Dân tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề Điều trị bệnh trĩ với phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP). Tại hội thảo, các chuyên gia trình bày nhiều vấn đề về bệnh trĩ, cách điều trị trong đó có báo cáo khoa học so sánh kết quả điều trị sớm và trung hạn của tạo hình mô trĩ bằng laser và phẫu thuật Longo. Tạo hình mô trĩ bằng laser và phẫu thuật Longo là hai phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn đang được áp dụng cho người bệnh tại các trung tâm điều trị về trĩ hiện nay.

Bên cạnh mục tiêu đánh giá khả năng giảm triệu chứng bệnh trĩ của cả hai phương pháp, nghiên cứu còn tìm hiểu về: (1) đánh giá mức độ giảm triệu chứng bệnh trĩ của hai phương pháp phẫu thuật trên thang điểm HDSS (Hermorrhoidal Disease Symptom Score – Thang điểm triệu chứng bệnh trĩ); (2) so sánh mức độ đau của bệnh nhân khi được điều trị bằng hai phương pháp sau phẫu thuật 1 ngày, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng…

Nghiên cứu thực hiện trên 830 người bệnh trĩ được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân từ năm 2016 đến năm 2022. Tuổi trung bình của người bệnh là 44,55 tuổi. Trong đó, 398 người bệnh được thực hiện tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) và 432 người bệnh được thực hiện phẫu thuật Longo. Người bệnh trả lời bảng hỏi về các triệu chứng của bệnh trĩ bao gồm: đau, ngứa, khó chịu vùng hậu môn, chảy máu khi đi tiêu, dịch tiết hậu môn, sưng hoặc sa trĩ.

IMG_6546
PGS.TS.BS. Dương Văn Hải trình bày về Tạo hình mô trĩ bằng laser tại Hội thảo 

Kết quả ghi nhận cả hai phương pháp đều giúp giảm triệu chứng bệnh trĩ, mức độ đau hậu phẫu và chảy máu sau phẫu thuật là không khác biệt giữa hai phương pháp. Tuy nhiên, phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) có tỉ lệ hẹp hậu môn và tái phát sau phẫu thuật thấp hơn so với phương pháp Longo. Ngoài ra, thời gian phẫu thuật và lượng máu mất trong phẫu thuật ở nhóm người bệnh được thực hiện tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) ít hơn so với phẫu thuật Longo.

Kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân này phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác trên thế giới hiện nay.

THÔNG TIN THÊM

Tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) là phương pháp xâm lấn tối thiểu dùng năng lượng laser đốt nhánh mạch máu tận bên trong búi trĩ, gây co búi trĩ, không tác động đến  niêm mạc và mô xung quanh cấu trúc giải phẫu vùng hậu môn.

Phẫu thuật Longo là phẫu thuật dùng máy cắt nối tự động cắt bỏ một khoang niêm mạc trực tràng trên đường lược khoảng 1-1,5cm nhằm cố định búi trĩ bị sa và giảm nguồn máu tới búi trĩ. Nhờ đó, phẫu thuật Longo có tác dụng điều trị bệnh trĩ.

Trĩ là căn bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng, ảnh hướng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu từ đường tiêu hóa dưới. Tỉ lệ mắc bệnh trĩ ước tính khoảng 4,4% dân số toàn cầu, trong đó tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm trên 45 tuổi. Theo một nghiên cứu khác được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân, có khoảng 40% người trên 50 tuổi có bệnh trĩ với dấu hiệu sa trĩ (độ 2 trở lên).

Mô trĩ vốn dĩ là một cấu trúc giải phẫu bình thường, có vai trò quan trọng trong sự tự chủ hậu môn. Bệnh trĩ xuất hiện do sự giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn, trực tràng. Nếu trĩ không gây triệu chứng thì chưa cần điều trị. Chỉ khi xuất hiện các rối loạn, đau đớn ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh nên đi khám và điều trị sớm.

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ là chảy máu ở vùng hậu môn. Đây cũng là triệu chứng khiến bệnh nhân sợ hãi và đi khám bệnh. Máu đỏ thường đi theo sau phân khi người bệnh đi đại tiện, không đau. Nếu không đi khám, dẫn tới chảy máu kéo dài gây thiếu máu cho người bệnh. Thậm chí có trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng thiếu máu nặng và phải truyền máu trước rồi mới tiến hành phẫu thuật trĩ. Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng bao gồm sa búi trĩ, ngứa hậu môn, đau hậu môn. Đây thường là lúc búi trĩ đã có nhiễm trùng.

kha-m-be-nh-tri-1711249048-171-7169-2746-1711249336

PGS.TS.BS Dương Văn Hải tư vấn bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân

Với đa số trường hợp bệnh trĩ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc trong khoảng 6-8 tuần, sau đó tái khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tiếp tục điều trị thuốc hay phải điều trị phẫu thuật. Các người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 3/4 số người bệnh trĩ đến khám khi trĩ đã diễn biến nặng, búi trĩ sa ra không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn (độ 3) hoặc búi trĩ sa hẳn ra ngoài (độ 4), nhiều trường hợp có kèm nhiễm trùng. Điều này khiến cho điều trị phức tạp hơn và nhiều trường hợp không thể áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn.

Đối với búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2 có thể sử dụng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại hay các phương pháp như chích xơ. Lưu ý là chích xơ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, hậu môn-trực tràng vì cần chích đúng búi trĩ, nếu chích quá nông sẽ làm loét, chích sâu quá sẽ gây chảy máu.

Đối với trĩ độ 3, thường bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp kinh điển nhất là phẫu thuật cắt trĩ. Nhược điểm của phương pháp này là sau mổ người bệnh đau nhiều, đau kéo dài khoảng 6-8 tuần, dễ chảy máu và hẹp hậu môn.

Phương pháp khâu treo trĩ (theo phương pháp Longo) ít biến chứng hơn nhưng vẫn có thể gây chảy máu nhiều và thậm chí hẹp hậu môn.

Tạo hình mô trĩ bằng laser (LHP) là phương pháp ít xâm lấn hiện đại nhất đang được áp dụng trong phẫu thuật trĩ. Bác sĩ dùng năng lượng laser đốt đám rối tĩnh mạch trĩ mà không tác động đến niêm mạc và mô xung quanh nên không có biến chứng và không đau. Người bệnh trải nghiệm phẫu thuật nhẹ nhàng và có thể về nhà sau mổ 1 ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3-5 ngày.

Các phẫu thuật điều trị trĩ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm, việc sử dụng các dụng cụ phẫu thuật hay nguồn nhiệt phải thuần thục để vừa có thể loại bỏ các búi trĩ vừa hạn chế tổn thương, đảm bảo chức năng các mô trĩ ở vùng hậu môn, vì nếu không sẽ có nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, làm ảnh hưởng chức năng tự chủ hậu môn (ngăn không cho thoát khí và dịch ra khỏi hậu môn).

Bệnh trĩ vốn có sẵn yếu tố nguy cơ để phát triển trên một người từng bị trĩ như: cơ địa táo bón, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động, dư cân béo phì, bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Để hạn chế tái phát trĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý nền nêu trên.

TRẦN NHUNG - VĨNH PHƯỚC

Tổ truyền thông Bệnh viện Bình Dân