Mảnh ký ức rực rỡ không thể quên của bậc thầy phẫu thuật

Thứ sáu, 23/02/2024, 09:32 GMT+7
4-cover-desk-gs-le-quang-nghia-1039

Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) là chiếc nôi của ngành ngoại khoa phía Nam, in đậm dấu ấn của những bậc thầy lỗi lạc như GS Phạm Biểu Tâm, GS Ngô Gia Hy, GS Hoàng Tiến Bảo, tiếp đến là thế hệ GS Văn Tần, GS Võ Thành Phụng, GS Nguyễn Chấn Hùng, GS Lê Quang Nghĩa và rất nhiều tên tuổi khác.

Từ nơi này, những cánh chim đầu đàn tiếp tục gây dựng nên các trung tâm chuyên khoa ở TP.HCM về chấn thương chỉnh hình, chỉnh trực nhi hay ung bướu…

Ở tuổi 75 với mái tóc trắng như cước, trong ký ức của Giáo sư Lê Quang Nghĩa (cố vấn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân), thời gian được theo chân những người thầy đáng kính ở nơi này là mảnh ký ức rực rỡ mà ông chưa bao giờ quên.

5-tit1-gs-le-quang-nghia-1041

Giáo sư Lê Quang Nghĩa là vị thầy thuốc đầu ngành về phẫu thuật tiêu hoá, đặc biệt chuyên sâu về phẫu thuật ung thư thực quản. Ông bắt đầu sự nghiệp cứu người và giảng dạy ở Bệnh viện Bình Dân vào năm 1974. Đây cũng là bệnh viện duy nhất ông gắn bó, gần trọn đời người. 

“Khi hơn 10 tuổi, tôi bị đau bệnh. Mẹ đưa tôi đến một phòng khám ở Mỹ Tho (Tiền Giang) của vị bác sĩ rất giỏi, từng tu nghiệp ở Pháp về. Người khám bệnh rất đông. Có lẽ, nhiều việc quá nên ông bác sĩ cau có. Tôi ấn tượng không hay và chợt nghĩ, tại sao mình không làm bác sĩ để bệnh nhân tránh được cái cáu bẳn đó”, GS Nghĩa kể.

Nhiều năm sau, ý nghĩ thoáng qua đã trở thành hiện thực. Người học trò Lê Quang Nghĩa theo chân anh trai thi vào Trường y khoa Sài Gòn (Đại học Y Dược TP.HCM ngày nay). Đậu bác sĩ nội trú, ông chọn chuyên ngành ngoại khoa và được phân về Bệnh viện Bình Dân. 

Bắt đầu từ đây là những tháng năm ông đi theo 2 người thầy có ảnh hưởng sâu sắc về tinh thần khoa học, sự đức độ và chuẩn mực: Giáo sư Hoàng Tiến Bảo và Giáo sư Phạm Biểu Tâm.

“Tôi theo thầy Hoàng Tiến Bảo 6 tháng, học chấn thương chỉnh hình. Thầy đã chỉ dạy cho tôi một tinh thần nghiên cứu khoa học", GS Nghĩa chia sẻ. 

Có giai đoạn, cứ chiều thứ 6 hàng tuần, người ta thấy bác sĩ nội trú Lê Quang Nghĩa đều đặn có mặt tại nhà GS Bảo sau giờ hành chính. Hoá ra, GS Bảo yêu cầu anh đến trình bày những gì đã tìm hiểu được cũng như tiến độ thực hiện luận văn. Những nội dung đã viết đều được đánh máy lại chỉn chu.

anh-6-tu-lieu-benh-vien-binh-dan-1042
Một buổi giao ban sau năm 1975 tại giảng đường lớn của Bệnh viện Bình Dân, có mặt GS Tôn Thất Tùng, GS Phạm Biểu Tâm, GS Ngô Gia Hy. Ảnh tư liệu.

Để hiểu thấu một vấn đề y khoa, GS Bảo nhắc nhở bác sĩ Nghĩa hãy nhận nội dung đó mà giảng dạy. Bởi lẽ, muốn giảng được cho sinh viên, anh phải nghiên cứu tới nơi tới chốn.

Nghe lời thầy, bác sĩ Nghĩa thường miệt mài dịch các bài giảng từ tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh. Thời đó chưa có Internet, tài liệu y khoa rất quý và hiếm. Có quyển sách khoảng 700-800 trang, bác sĩ Nghĩa vẫn say mê đọc và dịch ra tiếng Việt, rồi lại cất công đánh máy thành 7-8 bản.

Để những bài giảng thêm sinh động, người bác sĩ này lại đi chợ trời tìm các máy chiếu cũ với bóng đèn chiếu 1.000W, chế thêm quạt làm mát máy. Màn hình là vách tường quét vôi trắng. Thậm chí, ông còn mua máy chụp hình hiệu Praktica của Tiệp Khắc, tập chụp ảnh rồi rửa phim để làm slide trình chiếu. 

“Nhờ đọc tài liệu, dịch và làm slide giảng dạy, tôi ngày càng vững chắc về ngoại khoa và cấp cứu ngoại. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đọc và viết. Càng viết, tôi càng thấy kiến thức y học thật là vô bờ bến và lời của Giáo sư Hoàng Tiến Bảo thật chính xác, đáng quý”, GS Nghĩa nói.

Trong hồi ức của vị giáo sư già, người thầy Phạm Biểu Tâm lại gắn liền với sự trầm tĩnh, kiệm lời nhưng vô cùng sâu sắc. Tài năng và đức độ của GS Phạm Biểu Tâm là mẫu mực để những học trò như GS Văn Tần, Lê Quang Nghĩa kế thừa, cứu chữa người bệnh với sự tận tuỵ. 

Có một câu chuyện thú vị mà người học trò Lê Quang Nghĩa còn nhớ mãi về người thầy. Khoảng sau năm 1975, GS Phạm Biểu Tâm có lần phải đưa ra quyết định kỷ luật với một bác sĩ phạm lỗi chuyên môn nghiêm trọng. Hình thức kỷ luật là “treo dao” 3 tháng (nghĩa là không được phép phẫu thuật).

Không hiểu sao mới được 1 tháng, người bác sĩ này lại vào Bệnh viện Bình Dân và gặp GS Tâm. Bác sĩ cúi đầu chào “Thưa thầy”. Giáo sư Tâm nói ngắn gọn: “Anh không phải học trò của tôi”, rồi bước đi.

Khi thời gian 3 tháng kết thúc, bác sĩ này gặp thầy và cúi đầu chào. Lúc này, GS Phạm Biểu Tâm gật đầu đồng ý.

“Treo dao không phải vì thầy ghét bỏ gì mình mà để thời gian cho tỉnh táo, sửa đổi lỗi sai”, GS Nghĩa giải thích. Đó là sự nghiêm khắc rất cần thiết bởi nghề y liên quan đến tính mạng người bệnh.

anh-5-tu-lieu-benh-vien-binh-dan-1043
Các học trò của GS Phạm Biểu Tâm thăm thầy cô tại nhà riêng. Ảnh tư liệu.
6-tit2-gs-le-quang-nghia-1044

Khoảng năm 1979, Bệnh viện Bình Dân từng được cấp trên đề nghị ngưng phẫu thuật ung thư thực quản. Lý do là tỷ lệ tử vong sau mổ rất cao. Nghe tin, bác sĩ Lê Quang Nghĩa đã lên thưa chuyện với GS Phạm Biểu Tâm.

Ông xin GS Tâm cho tiếp tục mổ thực quản trong một năm, nếu không mổ, người bệnh sẽ tử vong rất nhanh vì ung thư thực quản là bệnh khó. Nếu phẫu thuật mà vẫn không thể cứu sống người bệnh thì bệnh viện hãy chấp nhận ngưng triển khai.

Do ung thư thực quản thường di căn “nhảy cóc” nên khi phẫu thuật, phải cắt bỏ toàn bộ thực quản của bệnh nhân. Muốn tiếp cận toàn bộ thực quản phải mổ 3 đường: ngực phải, bụng, cổ trái. Thành ra, cơ thể người bệnh (hầu hết trên 60 tuổi) bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

Ca đại phẫu này tốn rất nhiều thuốc gây mê (thời điểm đó chủ yếu là ê-te), thời gian mổ kéo dài, hao tốn nhân lực và thuốc men. Vì không ăn uống được, bệnh nhân sẽ sút cân từ 200g đến 450g mỗi ngày. Vấn đề dinh dưỡng thời điểm này rất kém nên sự chuẩn bị cho bệnh nhân trước mổ không tốt. Suy kiệt và tử vong sau mổ là kết cục khó tránh khỏi.

“Ngay khi thầy Tâm đồng ý cho thêm một năm, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước mỗi ca mổ. Người bệnh bị suy dinh dưỡng thì phải truyền albumin nâng đỡ thể trạng, chỉnh lại rối loạn nước điện giải, chỉnh lại nhiễm trùng phổi, đầu tư hơn cho người bệnh. Kết quả là tỷ lệ sống tăng lên 50%. Sau đó, không còn ai nhắc đến chuyện phải ngưng mổ thực quản nữa”, GS Nghĩa mỉm cười kể lại. 

Bác sĩ nhiều nơi biết chuyện nên thường xuyên giới thiệu bệnh nhân ung thư thực quản về Bệnh viện Bình Dân. Kỹ thuật gây mê cũng ngày càng tốt hơn, kết quả phẫu thuật ngày càng khả quan. GS Nghĩa trở thành chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thực quản. 

Năm 1996, ông từng báo cáo một công trình nghiên cứu với 194 ca mổ thực quản (mổ mở). Trong thời gian này, tại hội nghị ngoại khoa toàn quốc, GS Nghĩa là báo cáo viên duy nhất về đề tài phẫu thuật ung thư thực quản. Lớp đàn em sau đó đã tiếp nối ông mổ thực quản với kỹ thuật nội soi, mang lại kết quả điều trị và chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

anh-7-tu-lieu-benh-vien-binh-dan-1045
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân của Giáo sư Văn Tần - một học trò của GS Phạm Biểu Tâm. Ảnh tư liệu.
7-tit3-gs-le-quang-nghia-1046

Suốt tháng năm say mê cống hiến bên những người thầy, người anh đáng kính, GS Nghĩa dành một góc trân trọng cho “Đêm thứ 5” truyền thống. Với ông, đó là mảnh ký ức đẹp nhất. 

"Đêm thứ 5" là buổi tối mà mọi sinh viên y khoa đều háo hức chờ đợi. Hoạt động này cũng giống như ở các bệnh viện ở Pháp. Trưởng ban tổ chức do các cựu bác sĩ nội trú đảm nhiệm, khởi đầu là bác sĩ Võ Thành Phụng, đến bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp, rồi tiếp tục là bác sĩ Lê Quang Nghĩa (khi đó là giảng viên bộ môn Ngoại, cựu bác sĩ nội trú). 

Mỗi tối thứ 5, từ 19h30 đến 21h, hàng trăm sinh viên y khoa sẽ lấp đầy giảng đường A của Bệnh viện Bình Dân. Một bác sĩ trình bày đề tài với phương tiện chủ yếu là máy Over-head (một loại máy chiếu cũ). Các thầy lớn, chuyên gia từ Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tham gia bàn luận. Sinh viên được đặt câu hỏi tự do, tranh luận rất sôi nổi.

Bác sĩ Lê Quang Nghĩa bấy giờ vừa thuộc ban tổ chức, vừa là người dẫn chương trình. Kết thúc buổi sinh hoạt, ông lại cùng nhóm cộng tác sang quán mì chú Cao để ăn khuya. Trở về nhà, đồng hồ cũng đã chuyển sang gần 23h.

“Phần đông các bác sĩ và điều dưỡng trong nhóm này đều đã về hưu. Chú Cao cũng đã mất, con cháu ông ấy vẫn tiếp tục bán mì đến đời thứ 3 rồi. Đêm thứ năm là kỷ niệm đẹp nhất với tôi về Bệnh viện Bình Dân”, GS Nghĩa xúc động kể.

gs-van-tan-1-1047
Giáo sư Lê Quang Nghĩa (trái) và Giáo sư Văn Tần đều từng đảm nhận vai trò Phó giám đốc và cố vấn Bệnh viện Bình Dân.

Theo GS Nghĩa, điều đáng trân trọng là chương trình sinh hoạt này vẫn được duy trì như sợi chỉ xuyên suốt các thế hệ thầy thuốc, dù bằng một hình thức khác. Đó là buổi sinh hoạt chuyên môn nơi các bác sĩ trình bày những ca hay, cứu thành công người bệnh, bình bệnh án cho bác sĩ nội trú, phân tích những sai sót chuyên môn với một ca cụ thể, mục tiêu để các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân hoàn thiện mình.

Đến nay, khi mái tóc đã trắng như cước, GS Nghĩa vẫn miệt mài truyền lửa cho thế hệ sau với lịch trình làm việc mỗi ngày ở viện. Trong lời chỉ bảo của GS Nghĩa với đàn em,  vẫn hiện lên hình ảnh những người thầy lỗi lạc đã dìu dắt ông từ những ngày đầu.

Linh Giao

Nguồn: https://vietnamnet.vn/giao-su-le-quang-nghia-va-ky-uc-ve-nhung-nguoi-thay-o-benh-vien-binh-dan-tp-hcm-2252019.html